Mẫu Tranh Gỗ Lý Ngư Vọng Nguyệt
Ý NGHĨA TRANH LÝ NGƯ VỌNG NGUYỆT
Bạn có biết ý nghĩa tranh lý ngư vọng nguyệt như thế nào mà được nhiều nghệ nhân thể hiện lại trên nhiều chất liệu khác nhau, cùng với cửu ngư quần hội đã trở thành hai bức tranh nổi tiếng về cá chép. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa bức tranh, chúng tôi xin chia sẻ với các bạn một số thông tin sau:
Hình ảnh tranh lý ngư (Cá chép) và văn hóa dân gian
Để hiểu về ý nghĩa tranh lý ngư vọng nguyệt không thể không tìm hiểu về nhân vật chính là cá chép. Cá chép, từ lâu đã trở thành con vật linh thiêng của nhân dân ta, từ hình ảnh loài cá cõng táo quân về trời, đến hình tượng cá chép vượt long môn để hóa thành rồng. Tất cả đã tạo nên những nét đẹp riêng về sự mạnh mẽ, vững bền ý chí, sự cao sang của loài cá chép.
Tuy nhiên, điều đó chưa thể hiện hết tất cả, cá chép tự thân nó đã có vẻ đẹp riêng, trong câu chuyện cá chép vượt long môn, cá đã được phong râu, phong giáp, đã có được hình tượng sơ bộ của rồng trước khi vượt cửa ải cuối. Và chính những điều này tạo cho cá chép một vẻ đẹp của một võ tướng, dũng mãnh nhưng cũng rất mỹ miều. Hình ảnh đôi cá chép dưới đây sẽ cho bạn rõ hơn về điều đó.
Tại sao tranh lý ngư thường có hoa sen?
Trong tiếng Hán việt hoa sen được gọi là “liên”, chữ “liên” còn có nghĩa là “liên tục”. Chữ cá tiếng hán gọi là “ngư” phiên âm là “yu” đọc là “dư” đồng nghĩa với từ “dư dả”. Do đó, hình ảnh cá chép và hoa sen có ý nghĩa là “dư dả liên tục”. Tiểu cảnh hồ cá tại nhiều gia đình thường thấy có cá chép và cây sen cũng với ý nghĩa phong thủy là cầu mong “dư dả liên tục”. Chính vì vậy, tranh cá chép luôn luôn đi cùng với hình ảnh hoa, lá sen.
Hình ảnh lý ngư ngắm trăng đáy nước
Mặt trăng là một biểu tượng của sự mộng mơ, thơ mộng đầy chất thi ca. Ngắm trăng đáy nước là một hình tượng đẹp trong văn học, đã được nhiều nhà thơ, nhà văn sử dụng. “Hái hoa trong gương, ngắm trăng đáy nước”, hai hình ảnh tuy giống mà khác, một cái là không tưởng, còn một cái lại có thể, tuy ảo mà thực, tuy thực mà ảo.
Nữ thi sĩ đa tài Đoàn Thị Điểm và anh trai Đoàn Doãn Luân đã từng làm cặp câu đối:
Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm
Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân
để tả về hình ảnh ngắm trăng dưới đáy nước. Không bàn về nghệ thuật chơi chữ trong cặp đối, chỉ về hình ảnh, rõ ràng ngắm trăng dưới đáy nước cho một hình ảnh lung linh và đầy chất thi vị.
Ý nghĩa tổng thể của tranh lý ngư vọng nguyệt (cá chép trông trăng)
Không thể gán ghép một cách vật lý về ý nghĩa của từng hình tượng để rồi hình thành ý nghĩa của bức tranh. Ý nghĩa tranh lý ngư vọng nguyệt là một ý nghĩa trừu tượng, thể hiện được sự thanh cao, tao nhân mặc khách của chủ nhân.
Tranh thể hiện một sự phân rõ trắng đen, thị phi, đâu là ảo, đâu là thực, ngắm trăng qua đáy nước vẫn thấy được trăng, vẫn thấy đúng trăng là trăng, chỉ có điều lúc đó trăng không còn là trăng, chú cá chép kia không sai khi ngắm trăng, những người ngắm tranh sẽ hiểu rằng có một vầng trăng thật hơn nữa.
Bức tranh mang đầy hình ảnh trừu tượng, nên điều nó thể hiện cũng không rõ ràng. Đối với những người mong muốn sự thanh tao, hiểu rõ sự đời, nhìn rõ thật giả thì đây là bức tranh rất phù hợp.
Ngược lại, một số người có công việc quá sức căng thẳng, đấu đá trong xã hội nhiều thì bức tranh lại giúp lấy lại sự thanh thản trong tâm hồn, giống như chú cá chép kia, chỉ cần ngắm trăng đáy nước, thanh tao tự mình. Những người nóng tính thì việc treo tranh hết sức có lợi, có thể giúp thư thái đầu óc, hạ hỏa được lửa giận và sẽ bình tĩnh hơn.